Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
86844

 

 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU  KIỆN TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý

Xã Thọ Hải nằm ở phía tây nam huyện Thọ Xuân, cách trung tâm huyện 5 km, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 40km về phía tây bắc, với tổng diện tích tự nhiên 708,73 ha, (Trong đó đất nông nghiệp là 447,33ha chiếm 63,11%, đất phi nông nghiệp là 146,31 ha chiếm 27%, đất chưa sử dụng 0.45 ha chiếm 0,08%). Dân số là 5.165 người, được sinh sống ở 09 thôn hành chính chia thành 09 làng văn hoá. Đảng bộ Thọ Hải có 315 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ, (Trong đó có 07 chi bộ thôn và 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ quỹ tín dụng nhân dân xã Thọ Hải).

Xã Thọ Hải nằm bên bờ sông Chu và tiếp giáp với các xã: Phía đông giáp xã Xuân Hòa; phía tây giáp xã Thọ Diên; phía nam giáp xã Xuân Hưng và xã Xuân Giang; phía bắc giáp xã Thọ Minh và xã Thọ Lập.

Vị trí địa lý của xã thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho xã tiếp cận nhanh với thị trường vùng lân cận, thúc đẩy quá trình giao lưu hàng hóa, thích ứng với nền kinh tế thị trường. Hệ thống giao thông thủy lợi rất thuận tiện; Thọ Hải có đường Quốc lộ 47C chạy qua, đường liên xã, liên thôn tạo thành mạng lưới giao thông thuận tiện, là xã đồng bằng trung du địa hình tương đối bằng phẳng. Ngành nghề chính của địa phương là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và kinh doanh buôn bán…

Địa hình:  Là xã đồng bằng nằm ở vùng hữu ngạn sông Chu nên Thọ Hải có vị thế thuận lợi: cận thị, cận giang, cận lộ, chợ Hương. Cùng với các địa danh Bái Thượng, Lam Sơn, Sao Vàng, Mục Sơn tạo nên một vùng kinh tế trù mật, một vùng đất với những di tích lịch sử có nhiều du khách viếng thăm. Thiên nhiên đã ban tặng cho Thọ Hải một vùng đất màu mỡ (không có núi, không có đồi), lại được người xưa để lại gần 3 km nông giang, biến vùng đất ngày xưa chỉ trồng trọt một vụ lúa bấp bênh (vì lụt, hạn) nay trở thành hai, ba vụ lúa, nên việc bố trí khu dân cư và đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng rất thuận lợi, ngoài ra Thọ Hải còn có vùng chuyên canh, thâm canh để phát huy lợi thế và phát triển nền kinh tế trong xã một cách phong phú, đa dạng.

Xã Thọ Hải cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía tây (Quốc lộ 47C được rải nhựa từ năm 1910, từ thành phố Thanh Hóa qua Rừng Thông, Hậu Hiền, xã Thọ Hải từ dốc Hương là đến phố Tứ Trụ của xã Thọ Diên. Từ năm 1914, đã có xe khách chạy qua, mỗi ngày có hai chuyến ngược lên Bái Thượng và hai chuyến về Thanh Hóa. Từ năm 1940, đã thấy có xe Va-tuya (xe con) sang trọng chạy qua phố Tứ Trụ lên Bái Thượng hoặc sang phố Châu (Ngọc Lặc). Những năm kháng chiến chống Pháp, đường 47C bị phá hủy, xe cũng bị xếp bỏ. Ngay cả xe tay và người cưỡi cũng không còn qua lại trên đường.

2. Tài nguyên thiên nhiên

Thủy Văn: Thọ Hải có đuờng thủy chạy qua trên sông Chu (sông Chu xưa gọi là Lương Giang. Lương Giang còn có tên là sông Sủ). Năm 1898, khi người Pháp cai trị đã thiết kế xây dựng đập Bái Thượng, tiếng Pháp không có chữ Sủ, đã phiên âm Sủ thành Chu. Tên sông Chu có từ đấy, bắt nguồn từ cao nguyên Hủa phăn (Lào), có hai nhánh là sông Đạt và sông Âm. Khi chảy vào huyện Thọ Xuân thành sông Chu. Sông Chu chảy qua Thọ Hải tạo thành đường ranh giới với Xuân Thiên vốn là đường giao thông thủy rất thuận lợi. Trên dòng sông Chu người xưa đi lại tấp nập như trên bộ. Trên dòng sông thuyền bè xuôi ngược đem theo cá mắm, muối… và sản phẩm của miền xuôi lên chợ Hón. Rồi cũng trên dòng sông này gỗ nứa, chè, măng… của miền ngược xuôi dòng về với thành phố Thanh Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa…

Nằm trên bờ sông Chu cũng tạo cho người Thọ Hải nếp sống sông nước: tắm sông, uống nước sông, đêm nằm nghe giọng hò của đò Giàng, đò Hới. Nhiều người đi buôn bán với vùng xuôi, vùng ngược, vào Nam ra Bắc. Nghe nhịp đập của con đò, người đi buôn mang hàng ra đã có người giúp bày lên khoang thuyền gọn gàng. sáng ra đã về đến Thanh Hóa. Bán hàng, mua hàng xong lại ngược dòng trở về, trên dòng sông này, các vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông... cũng đã từng xuôi ngược về thăm đất tổ Lam Sơn.

Trên dòng sông Chu, người Pháp đã xây dựng đập thủy nông Bái Thượng, đây là công trình thủy lợi lớn nhất xứ Đông Dương thời bấy giờ; công trình này phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và vơ vét thóc gạo của thực dân Pháp. Công trình được thăm dò thiết kế từ năm 1898 nhưng phải dừng lại vì chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Công trình, được khởi động lại sau khi chiến tranh thế giới thứ I kết thúc, Pháp là nước thắng trận. Dự án được toàn quyền Đông Dương duyệt chính thức vào ngày 24-01-1918 và khởi công vào ngày 28-3-1920. Đây là đập ngăn nước dài 160m, rộng 21m ở chân và 3m ở bề mặt, do đó khi nhìn, thấy mặt hông của đập là hình thang. Hai đầu của con đập được dựa vào dãy núi vững chắc, nó có thể nâng mức nước thấp từ 11m, lên 16m80. Toàn bộ công trình được xây bằng bê tông cốt thép. Khi xây móng, phải xuống độ sâu 2m mới gặp nền đá mà độ cao, thấp lại không đều nhau, do đó bề cao nhất của công trình đã lên đến 21m. Toàn bộ con đập chi phí hết 1.600.000 đồng tiền Đông Dương. Trên hữu ngạn và nối liền với con đập là cống 7 cửa để tháo nước thừa vào âu với vận tốc 4m3/giây để chảy vào con kênh; thành hai nhánh theo đường chỏm. Kênh Bắc chạy qua Thiệu Hóa, Đông Sơn cho tới tận thành phố Thanh Hóa; Kênh Nam ở Nông cống chảy sát ranh giới phía Tây châu thổ và cùng đến sông Yên ở gần ga Thị Long. Cả hai con kênh dài 110 km đã dẫn nước vào các chi giangtiểu chi giang mà lưu lượng nước được điều chỉnh từ những cửa cống rồi đến các mương máng nhỏ chạy thẳng vào các cánh đồng (các máng nhỏ là do dân các địa phương tự làm theo sự hướng dẫn của các nhân viên sở Công chính trong nhiều năm), đã đưa tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống cung cấp nước tưới lên con số 2.135km, tính ra 1km tưới được 28ha. Chi phí tổng cộng cho toàn công trình là 4.760.000đ bạc Đông Dương. Theo tài liệu thì riêng công trình đập Bái Thượng đã phải sử dụng đến 5.600m3 bê tông, đắp 7 triệu m3 đất đá.

Sau 7 năm thi công công trình Thủy nông sông Chu (đập Bái Thượng) đã hoàn thành đảm bảo tưới nước cho trên 60.000 ha đất canh tác ở 6 huyện trong tỉnh. Năm 1952, máy bay Pháp ném bom phá hủy đập Bái Thượng. Sau khi hòa bình lập lại (cuối năm 1954), đập được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Nhờ hệ thống nông giang mà ruộng đất Thọ Hải từ một vụ bấp bênh thành hai vụ ăn chắc.

Từ Thọ Hải ngược lên Mục Sơn gặp đường Hồ Chí Minh, từ đây vào Nam hay ra Bắc đều thuận lợi. Đi Hà Nội 150 km, Nghệ An 100 km đều rất dễ dàng. Từ đây có đường nhựa qua Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn... để qua Sơn La, Điện Biên Phủ hoặc lên Na Mèo đều dễ dàng.

Thọ Hải là vùng có vị trí “cận thị, cận giang, cận lộ” thuận lợi cho việc đi lại. Thọ Hải có chợ Hón là một chợ ở Thọ Xuân trong thời Nguyễn mà sách Đại Nam nhất thống chí đã chép là chợ mà “lái buôn bốn phương và các hộ đến họp nhiều". Chợ được họp ngay trên bờ sông Chu, ở phía dưới là một bến sông lớn mà thuyền, bè đậu san sát. Xưa kia, chợ Hương là nơi buôn bán rất nhiều các hàng nông sản và lâm sản như thóc, gạo, bông, tơ lụa, luồng gỗ, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, măng tươi, củ nâu, mây, song... Các lái buôn người Hoa và ở Bắc Kỳ thường đến đây mua cất các loại hàng để mang ra Hà Nội, Hải Phòng. Người Mường, người Thái từ các huyện Thường Xuân, Lang Chánh cũng xuống đây để mua bán hàng hóa rất đông. Bánh gai, bánh bột lọc, nem chua là đặc sản nổi tiếng mà khách gần, xa chẳng bao giờ quên khi rời chợ.

Khí hậu: Thọ Hải được chia thành hai khu vực: nội đê và ngoại đê. Nhiệt độ trung bình năm là 23,6°c. Mùa hè nóng, mùa đông lạnh. Những ngày nóng diễn ra trong tháng 6, ngày nóng nhất lên tới 39°c, ngày lạnh nhất vào tháng 12, có những năm dưới 9oc. Mùa hè trung bình vào khoảng 28 - 30°c, mùa đông trung bình 25°c, năm cao nhất 27°c. Cuối năm 2007 đầu năm 2008, nhiệt độ xuống 9oc. Độ ẩm trung bình 86%, cao nhất 96% và thấp nhất là 67%.

Hằng năm, có hai mùa thay đổi. Mùa đông có gió mùa Đông Bắc thường rét khô và hanh, thổi từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch.

Mùa hè có gió mùa Đông Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 8, đưa hơi nước từ biển vào làm khí hậu mát mẻ và có mưa. Mùa hè còn có gió Tây Nam (gió Lào) thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7 gây nóng và khô hạn, thời gian gió tây từ 12 - 15 ngày, đợt dài 5 - 6 ngày (gió này ảnh hưởng đến lúa Xuân, ngô gieo trồng muộn). Hướng gió thịnh hành là Đông và Đông Nam, tốc độ trung bình l,3m/s, lớn nhất là 20m/s. Từ tháng 7 đến tháng 10 thường có bão đổ bộ từ biển vào, tốc độ gió thường ở cấp 6 - 7, cá biệt có trận cấp 9 - 10, kèm theo mưa to, gây tác hại đến cây trồng và các công trình kiến trúc.

Lượng mưa trung bình trên dưới 1.800mm, năm cao nhất 2.947mm (1925), năm thấp nhất 1.459mm (1936), tháng mưa cao nhất là tháng 9, có những năm đến 15 ngày mưa. Từ tháng 6 đến tháng 10 là mùa mưa chính, chiếm 85% lượng mưa của cả năm, đây là giai đoạn thường gây ra lũ lụt. Từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa khô. Tổng lượng nước các tháng này khoảng 105 - 108mm, bảng 10-15% lượng mưa cả năm. Số ngày có sương mù trong năm từ 21 - 26 ngày, thường xuất hiện tập trung vào các tháng 10, 11 và tháng 12, có tác dụng tăng thêm độ ẩm cho không khí và mặt đất. Với lượng mưa và nhiệt độ như vậy, Thọ Hải có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển cây mía, ngô, đậu, lạc.

Đất đai: Thọ Hải là xã đồng bằng châu thổ do sông Chu bồi đắp, phù sa của sông Chu chảy qua vùng núi macma axit như granit, riolit mang phù sa thô có chứa ít keo séc canxi, magiê bồi đắp nên đồng bằng Thọ Hải nói riêng, Thọ Xuân nói chung.

Nhìn chung đất đai ở Thọ Hải là loại đất nạc dày, tính chất vật lý và địa hình thuận lợi cho canh tác và phát triển cây lúa. Tuy nhiên, độ dày canh tác ở nhiều nơi mỏng, độ phì nhiêu không đồng đều, nếu không chú ý cải tạo thường xuyên sẽ rất chua và nghèo lân. Đây là vùng đất cấy lúa 2 vụ ăn chắc và có thể làm thêm một vụ màu. Nhiều năm qua Thọ Hải đã cố gắng hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, hạn chế nước chảy tràn về tiêu thủy địa hình thấp trũng, đồng thời tích cực cải tạo đất bằng cách cày sâu, cày ải tăng cường các loại phân cần thiết (phân chuồng, phân xanh, vôi và lân), nhờ đó mà hiệu quả ngày một cao.

Cho đến năm 2018, trên cơ sở tài nguyên đất đai phong phú, đa dạng, xã Thọ Hải đã hoàn chỉnh việc quy hoạch phân vùng kinh tế, vùng chuyên canh, thâm canh và trong thực tiễn, hiệu quả kinh tế được khai thác từ nguồn lực đất đai ở trong xã. Để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ngoài việc bố trí cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi và nguồn nhân lực một cách hợp lý nhất là các khu vực ven sông đã nuôi cá lồng rất thành công.      

Thủ tục hành chính

Địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC
Địa chỉ tiếp nhận: Thôn Tân Thành, Xã Thọ Hải, Huyện Thọ Xuân
SĐT: 0237 8933 161
Email: xuanlamubndthohai@gmail.com